BÀNG QUANG TĂNG HOẠT TÍNH

BÀNG QUANG TĂNG HOẠT TÍNH:

1. THẾ NÀO LÀ TÌNH TRẠNG BÀNG QUANG KÍCH THÍCH?
Bàng quang: có nhiệm vụ chứa đựng nước tiểu.Khi bàng quang đầy, mọi người sẽ có cảm giác muốn đi tiểu.Khi đi tiểu, bàng quang co bóp tống hết nước tiểu ra ngoài.Người bình thường đi tiểu từ 4 – 6 lần mỗi ngày.
Tình trạng bàng quang kích thích là khi cơ của bàng quang co bóp bất thường gây hiện tượng đi tiểu nhiều lần hoặc tiểu gấp (đôi khi có thể gây són tiểu).Bệnh này có thể xảy ra ở cả nam lẫn nữ và thường gặp ở phụ nữ có tuổi.Hiện nay ước tính gần 15% dân số thế giới bị tình trạng bàng quang kích thích. Ở phụ nữ bị bàng quang kích thích, khoảng 9 – 10% có kèm theo tình trạng tiểu són khi mắc tiểu.

2. TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH:
Triệu chứng chủ yếu của tình trạng bàng quang kích thích gồm:
– Tiểu gấp (mắc tiểu phải đi ngay lập tức, không thể nín và nhịn được; nếu đi không kịp sẽ tiểu ra quần)
– Tiểu són ngay khi vừa mắc tiểu, không kềm chế được. Mức độ són tiểu có thể nhiều hoặc ít
– Tiểu nhiều lần (thường trên 8 lần / 24 giờ)
– Tiểu đêm (ít nhất phải thức dậy đi tiểu trên 2 lần trong đêm)

3.NGUYÊN NHÂN:
Bàng quang kích thích gây ra do sự co bóp bất thường của bàng quang trong giai đoạn nước tiểu đổ đầy bàng quang (bình thường trong giai đoạn này bàng quang hoàn toàn không co bóp). Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động bất thường của hệ thống thần kinh chi phối bàng quang.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh gồm: lớn tuổi; béo phì; đã từng phẫu thuật ở vùng chậu; bệnh tổn thương thần kinh ngoại biên do tiểu đường lâu ngày, do tai biến mạch não, bệnh Parkinson…

4. CHẨN ĐOÁN BỆNH:
Trước khi chẩn đoán tình trạng bàng quang kích thích, phải loại trừ một số bệnh khác cũng có các triệu chứng tương tự như của bàng quang kích thích: viêm bàng quang, sỏi bàng quang, bướu bàng quang, phì đại và ung thư tuyến tiền liệt.
Một số xét nghiệm cần thực hiện để chẩn đoán bệnh:
– Cấy nước tiểu để đánh giá tình trạng nhiễm trùng tiểu
– Đo thể tích nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi tiểu
– Đo áp lực bên trong bàng quang: là xét nghiệm chủ yếu để đánh giá tình trạng bàng quang kích thích
– Soi bàng quang (nếu nghi ngờ có bướu bàng quang).

5. ĐIỀU TRỊ:
+ Điều trị không phẫu thuật
– Luyện tập cơ vùng chậu
– Estrogen liều thấp đặt / bôi âm đạo
– Thuốc uống: tác dụng bằng cách làm giảm sự co thắt của cơ bàng quang. Đa số thuốc rất hiệu quả (thường có tác dụng sau khi uống 2 tuần). Gần 80% bệnh nhân hết hẳn bệnh sau khi dùng thuốc liên tục 3 – 6 tháng. Tuy nhiên thuốc có một số tác dụng phụ như khô miệng, khô mắt, táo bón…(có thể gặp ở 30% bệnh nhân)

+ Điều trị phẫu thuật:
– Phẫu thuật đặt điện cực kích thích thần kinh: Phương pháp này hiệu quả nhưng khá tốn kém và chưa được áp dụng tại Việt Nam
– Chích Botulinum toxin A vào cơ bàng quang: Sử dụng một loại thuốc đặc biệt chích vào cơ của bàng quang (qua nội soi ngả niệu đạo). Thời gian của thủ thuật khoảng 15 – 20 phút và bệnh nhân có thể về trong ngày. Khoảng 50 – 70% bệnh nhân sẽ hết bệnh trong thời gian từ 6 – 9 tháng. Sau thời gian này, nếu bệnh tái phát thì phải chích lại. Biện pháp này chỉ áp dụng cho những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị thuốc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Có thể bạn quan tâm