Sỏi bể thận 16mm nên làm gì? Đây là câu hỏi mà mình mới nhận được qua Fanpage Bác sĩ Mai Văn Lực, chắc hẳn đây cũng là câu hỏi mà nhiều bạn quan tâm, chính vì vậy mình viết bài này để chia sẻ giúp mọi người có thêm những kiến thức, qua đó có được những hiểu biết và lựa chọn điều trị tốt.
1. Sỏi bể thận là gì?

Hình ảnh giải phẫu bể thận – là nơi hợp nhất của các đài thận lớn
Sỏi bể thận là một dạng sỏi thận đặc biệt, là những viên sỏi hình thành tại bể thận – là nơi các đài thận lớn hợp nhất với nhau, đây là nơi hội lưu của dòng nước tiểu từ các đài thận hợp lại trước khi đổ xuống vùng niệu quản để xuống bàng quang và đào thải ra ngoài.

Hình ảnh sỏi hệ tiết niệu – sỏi bể thận (Pelvic Stone)
2. Sỏi bể thận có những phương pháp điều trị nào?
Cũng giống như sỏi thận – sỏi tiết niệu nói chung thì sỏi bể thận cũng có các phương pháp điều trị tương tự đó là:
- Tán sỏi ngoài cơ thể
- Tán sỏi nội soi qua da
- Tán sỏi nội soi bằng ống soi mềm
- Tán sỏi ngược dòng bằng ống cứng
- Nội soi lấy sỏi
- Phẫu thuật mổ mở lấy sỏi
Sỏi bể thận là một trường hợp đặc biệt của sỏi thận, đối với sỏi bể thận thì khả năng tiếp cận sỏi qua đường niệu đạo bằng ống cứng cao hơn so với sỏi đài thận. Với những trường hợp cấu trúc đài thận phù hợp thì có thể xử lý tán vụn sỏi bằng việc sử dụng ống soi cứng, ống bán cứng hoặc ống soi mềm.
3. Video nội soi tán sỏi bể thận
Bên dưới đây là các video xử lý sỏi bể thận bằng ống soi mềm; tán sỏi bằng ống soi bán cứng; tán sỏi bằng phương pháp nội soi tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ.
Video Nội soi tán sỏi bể thận bằng ống nội soi mềm
Video Nội soi tán sỏi bể thận bằng ống soi bán cứng
Video Nội soi tán sỏi bể thận qua da bằng đường hầm nhỏ
Xem thêm:
1. Tán sỏi thận qua da: 10 điều bạn cần phải biết
2. Tán sỏi thận bằng ống mềm: 5 điều bạn cần biết
Lời kết: Sỏi bể thận là một trường hợp sỏi thận ở vị trí tương đối đặc biệt; có nhiều phương pháp can thiệp tuỳ thuộc vào kích thước sỏi; mức độ ảnh hưởng của viên sỏi đối với hệ tiết niệu của người bệnh; điều quan trọng hơn đó là phải căn cứ vào từng tình trạng, điều kiện cụ thể của người bệnh.
Để quyết định nên làm gì thì bác sĩ cần khám bệnh nhân cụ thể, đánh giá một cách toàn diện các vấn đề như:
- Viên sỏi kích thước 3 chiều ra làm sao (16mm chỉ là một chiều, không nói lên được tất cả tình trạng của viên sỏi)
- Tình trạng ảnh hưởng của viên sỏi lên hệ tiết niệu (mức độ ứ nước, mức độ tắc nghẽn, tình trạng do viên sỏi gây nên… VD suy thận, ứ nước, ứ mủ, viêm…)
- Những tình trạng kèm theo của người bệnh: Bệnh phối hợp, những tình trạng của hệ tiết niệu (hẹp niệu quản, bất thường hệ tiết niệu…)
- Tình trạng lâm sàng của người bệnh
- Nguyện vọng của người bệnh
- Điều kiện của bệnh viện…
Cần đánh giá một cách toàn diện thì mới quyết định được phương pháp nào là tốt nhất cho bệnh nhân.
Đối với viên sỏi bể thận 16mm thì có thể lựa chọn các phương pháp điều trị như:
- Tán sỏi bể thận bằng ống soi mềm
- Tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ
- Mổ nội soi sau phúc mạc lấy sỏi
- Tán sỏi ngoài cơ thể (nếu sỏi mềm – PP này hiệu quả không lớn với sỏi 16mm)
- Mổ mở lấy sỏi (hiện nay ít chỉ định)
Cần phải khám kỹ lưỡng và cân nhắc mọi việc thì mới có thể trả lời được cho bệnh nhân phương pháp nào là tốt nhất?