Y3 học lâm sàng như thế nào?

DÀNH CHO SINH VIÊN Y3 KHI ĐI HỌC LÂM SÀNG

Bài viết là những kinh nghiệm, chia sẻ của Bs Nguyễn Văn Thanh – Bộ môn Nội Trường Đại học Y Hà Nội gửi tới các bạn sinh viên y. Bài viết sẽ giúp các bạn phần nào trả lời câu hỏi "Y3 học lâm sàng như thế nào? " – từ đó các bạn sẽ tự rút ra cho mình những kinh nghiệm học tập phù hợp…

I. PHƯƠNG TIỆN CẦN CÓ:


1. Phương tiện khám bệnh:
– Ống nghe, huyết áp, đồng hồ (đếm mạch, đếm nhịp thở), nhiệt kế, que đè lưỡi, đèn soi đồng tử, búa gõ phản xạ, găng tay, …

2. Hồ sơ bệnh án:
– Bệnh án điều trị.
– Sổ theo dõi bệnh ngoại trú, các cận lâm sàng đã có từ trước: Quan tâm chẩn đoán, điều trị, diến biến bệnh, các biến chứng (do bệnh, do điều trị). Cần sắp xếp theo trình tự thời gian để dễ theo dõi.
– Giấy chuyển tuyến: Chẩn đoán, điều trị, diến biến bệnh, lý do chuyển tuyến.

II. KỸ NĂNG CẦN HOÀN THIỆN:


1. Hỏi bệnh: Hỏi bệnh nhân, người nhà, các nhân viên y tế khác.
– Ví dụ hỏi tiền sử bệnh tật cần quan tâm: Thời gian chẩn đoán, lý do đi khám thời điểm chẩn đoán, triệu chứng là gì, cận lâm sàng lúc đó ra sao, điều trị thuốc gì, mục tiêu điều trị có đạt không, các biến chứng của bệnh và của thuốc là gì, …

2. Khám bệnh: Nhìn, sờ, gõ, nghe.

3. Kỹ năng làm bệnh án, tóm tắt bệnh án, lập luận chẩn đoán.

4. Ghi chép hồ sơ bệnh án ( ghi bệnh lịch): Kết quả khám bệnh, diễn biến bệnh, kết quả điều trị, kết quả cận lâm sàng.

5. Các kỹ năng mềm khác: Giao tiếp với bệnh nhân, người nhà, với nhân viên Y tế.

 

III. MỤC TIÊU CẦN ĐẠT:


– Nên nhớ sinh viên Y3 đi học triệu chứng chứ không phải học bệnh học và điều trị. Tuy nhiên nếu có biết về bệnh học, cận lâm sàng và dược lý sẽ thuận lợi hơn cho học triệu chứng. Vì vậy sinh viên cần đọc thêm về bệnh học (tóm tắt), tự học thêm về cận lâm sàng và áp dụng kiến thức dược lý vào lâm sàng.
– Có 2 mục tiêu lâm sàng của Y3, trả lời cho 2 câu hỏi WHAT và WHY.

1. Câu hỏi “WHAT”:
– Đây là mục tiêu CẦN, tức là vì sao bệnh nhân đến viện, bệnh nhân này có cái gì bất thường.

a. Sinh viên muốn chẩn đoán được bệnh thì cần thăm khám kỹ và toàn diện để TÌM ĐƯỢC hay PHÁT HIỆN ĐƯỢC các triệu chứng, dấu hiệu BẤT THƯỜNG của bệnh nhân (Triệu chứng dương tính). Các triệu chứng có thể là cơ năng (hỏi bệnh) hoặc thực thể (khám bệnh).

b. Mô tả kỹ triệu chứng: Mức độ triệu chứng (định lượng triệu chứng, tính chất cấp cứu), đặc điểm, tính chất của triệu chứng.

c. Tập hợp thành các hội chứng nếu có.
– Các triệu chứng âm tính đôi khi là cơ sở giúp chẩn đoán loại trừ bệnh. Ví dụ: Không tìm thấy các triệu chứng của suy tim phải có thể giúp loại trừ phù toàn thân do suy tim?
– Nếu phát hiện thiếu triệu chứng –> không chẩn đoán được bệnh. Nếu phát hiện sai triệu chứng –> chẩn đoán sai bệnh.

2. Câu hỏi “WHY”:
– Đây là mục tiêu ĐỦ, nhưng cũng là phần bị yếu và thiếu của sinh viên Y nói chung và sinh viên Y3 nói riêng.
– Có thể hình thành ý tưởng trong đầu hoặc viết ra bệnh án.

a. Nguyên nhân của triệu chứng có thể là gì? Cần đặt triệu chứng trong bối cảnh của một bệnh nhân cụ thể với các triệu chứng khác đã thăm khám được.
– Chú ý TRỌNG CHỨNG, tức là cần bằng chứng, không nên cảm tính.
– Ví dụ: Nguyên nhân thiếu máu ở một bệnh nhân trẻ có phù toàn thân, tăng huyết áp có thể do suy thận mạn (thiếu hụt erythropoietin), do lupus (tan máu), do dinh dưỡng (nếu bệnh kéo dài), rồi đến các nguyên nhân khác. Một bệnh nhân có thể có nhiều nguyên nhân phối hợp gây nên thiếu máu.
– Ví dụ: Một bệnh nhân bệnh thận bị khó thở có thể có nhiều nguyên nhân phối hợp nhau như suy tim, tràn dịch màng phổi, cổ trướng to, hoặc phù phổi, …
– Ví dụ: Bệnh nhân có phù và tăng huyết áp thường được sinh viên nghĩ đến viêm cầu thận cấp ngay (thực tế người trưởng thành cũng ít gặp), nhưng có thể gặp trong bệnh cầu thận mạn, suy thận mạn, suy thận cấp có vô niệu, …

b. Mối liên quan giữa các triệu chứng với nhau:
– Mối liên quan giữa các triệu chứng với nhau như thế nào? Nếu có liên quan thì là quan hệ nhân – quả, cần tìm hiểu xem cái nào là NGUYÊN NHÂN, cái nào là triệu chứng HẬU QUẢ (thuyết một nguyên nhân). Nếu không có liên quan có thể là một bệnh lý khác (bệnh kết hợp).
– Triệu chứng nào là triệu chứng TRUNG TÂM, hay triệu chứng QUAN TRỌNG NHẤT. Triệu chứng trung tâm là triệu chứng có thể giải thích được nguyên nhân của các triệu chứng khác.
– Trong trường hợp này, sơ đồ hóa (mind map) cũng có thể có ích.
– Nên nhớ: Y3 học chẩn đoán triệu chứng chứ không phải chẩn đoán bệnh (mục tiêu của Y4).

 

Xem thêm: 

Tổng hợp kinh nghiệm học lâm sàng cho Y3 mới

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Có thể bạn quan tâm