Đặt câu hỏi: Bạn đang gặp vấn đề với sỏi thận, sỏi tiết niệu và muốn tìm hiểu về phương pháp tán sỏi nội soi? Hãy đọc bài viết này để khám phá về tán sỏi nội soi – một giải pháp tiên tiến trong điều trị sỏi thận; những tai biến, biến chứng có thể gặp phải khi thực hiện kỹ thuật này?
Sỏi thận, sỏi tiết niệu là một bệnh lý phổ biến trong xã hội hiện nay, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Sỏi thận, sỏi tiết niệu không chỉ gây ra đau đớn mà còn có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng đường tiết niệu và suy thận. Do đó, việc điều trị sỏi thận, sỏi tiết niệu là rất quan trọng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về phương pháp tán sỏi nội soi – một phương pháp tiên tiến và hiệu quả trong điều trị sỏi thận; những tai biến, biến chứng có thể gặp khi thực hiện kỹ thuật này.
Hình ảnh Bác sĩ Mai Văn Lực thực hiện nội soi tán sỏi niệu quản cho bệnh nhân
Giới thiệu về phương pháp tán sỏi nội soi
Phương pháp tán sỏi nội soi, còn được gọi là “tán sỏi nội soi laser” là một phương pháp tiên tiến và không xâm lấn trong điều trị sỏi thận, sỏi tiết niệu. Phương pháp này sử dụng một thiết bị nội soi nhỏ được đưa vào qua đường tiểu để tiếp cận trực tiếp viên sỏi, xử lý tán vụn sỏi và lấy sỏi qua đường tự nhiên.
Phương pháp tán sỏi nội soi được thực hiện tối ưu với sỏi niệu đạo, sỏi bàng quang, sỏi niệu quản đoạn 1/3 giữa, 1/3 dưới. Tuy nhiên, hiện nay, với sự phát triển của ống soi niệu quản mềm, phương pháp tán sỏi nội soi có thể thực hiện với sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên, sỏi bể thận và sỏi trong thận.
Chỉ định của tán sỏi nội soi
Tán sỏi nội soi là phương pháp điều trị tốt, tuy nhiên để an toàn và hiệu quả thì việc chỉ định cần phụ thuộc vào vị trí và kích thước sỏi, tình trạng bệnh nhân cụ thể.
Vị trí sỏi và kích thước sỏi
- Vị trí sỏi:
Đối với sỏi niệu quản đoạn dưới chỗ bắt chéo động mạch chậu, đặc biệt đoạn 1/3 dưới tán sỏi nội soi ngược dòng chiếm nhiều ưu thế hơn so với các phương pháp khác.
Nhờ thiết bị nội soi phát triển, ống nội soi cứng, bán cứng và nguồn năng lượng phong phú, cũng như kinh nghiệm phẫu thuật viên được nâng lên, tán sỏi niệu quản nội soi được mở rộng lên niệu quản đoạn lưng, sử dụng ống nội soi mềm tán sỏi nội soi có thể lên cực dưới thận.
- Về kích thước sỏi:
Đối với sỏi niệu quản đoạn trên kích thước < 10 mm, tán sỏi nội soi ngược dòng là lụa chọn thứ 2 sau tán sỏi ngoài cơ thể. Nếu sỏi > 10 mm có thể lựa chọn các phương pháp điều trị ít xâm lấn trong đó có tán sỏi nội soi ngược dòng.
- Sỏi hai bên và suy thận: Tán sỏi nội soi đối với sỏi niệu quản 2 bên và suy thận là giải pháp can thiệp ít xâm lấn.
- Sỏi niệu quản đã điều trị nội khoa thất bại.
Xem thêm:
Tai biến, biến chứng có thể gặp khi tán sỏi nội soi
Biến chứng trong tán sỏi nội soi ngược dòng.
- Tổn thương niệu quản
Tai biến tổn thương niệu quản thường do nguyên nhân can thiệp thô bạo, thiếu khéo léo hoặc tổn thương sẵn có do sỏi khảm vào niêm mạc niệu quản lâu ngày; tổn thương niệu quản khi đặt sheath tán sỏi ống mềm – tai biến này ít hơn nếu trước đó đặt ống thông niệu quản. Tổn thương niệu quản được phát hiện ngay trong quá trình tán sỏi, nhưng có trường hợp muộn sau quá trình tán sỏi khi bệnh nhân có sốt, đau hố thắt lưng, urinome sau phúc mạc (tụ dịch sau phúc mạc), áp xe quanh thận…
- Các mức độ tổn thương niệu quản trong tán sỏi niệu quản nội soi có thể gặp các tổn thương:
- Đụng giập hay xước niêm mạc niệu quản.
- Thủng niệu quản.
- Rách niệu quản.
- Sỏi đẩy ra ngoài thành niệu quản ra chỗ rách.
- Bong hay lộn niêm mạc niệu quản.
- Đứt niệu quản.
- Các yếu tố liên quan đến biến chứng tổn thương niệu quản:
- Sỏi bám dính lâu ngày trong niệu quản làm cho thành niệu quản viêm nhiễm gây biến đổi về mặt mô học, mất các sợi collagen, mất tính đàn hồi, và thay vào đó là tổ chức xơ làm thành niệu quản suy yếu.
- Tán sỏi theo cơ chế cơ học như thùy điện lực, điện động học thành niệu quản chịu bởi 2 lực là rung ngang và lực đẩy của điện cực tác động vào viên sỏi.
- Tùy thuộc vào kinh nghiệm bác sĩ.
- Vị trí niệu quản gấp khúc tỉ lệ tổn thương cao hơn.
- Đứt và lộn niệu quản: Tai biến thường xảy ra khi sỏi niệu quản ở 1/3 trên, dùng rọ lôi sỏi to trong niệu quản ra. Để tránh tai biến này cần tán sỏi nhỏ trước khi lấy ra. Ngoài ra có thể do do bất thường giải phẫu của hệ tiết niệu.
- Thái độ xử lý tổn thương niệu quản:
Tùy theo mức độ tổn thương niệu quản mà có thái độ xử lý khác nhau. Bình thường niêm mạc niệu quản liền sau 3 tuần, cơ thành niệu quản liền trong 7 tuần. Do đó xử lý biến chứng tổn thương niêm mạc niệu quản bằng cách sau khi tán và lấy hết sỏi lưu sonde double J từ 3- 4 tuần.
Đối với thủng niệu quản trước hết phải nhận biết được ngay là ống soi đã ra ngoài thành niệu quản. Dấu hiệu nhận biết là trên màn hình trước ống soi không phải là bề mặt trơn láng, hồng của niêm mạc thành niệu quản mà thay vào đó là tổ chức xơ mỡ giống mạng nhện. Nhanh chống rút ống soi, dùng dây dẫn xác định đúng đường đi của niệu quản và đặt ống sonde double J trong 6-8 tuần. Thời gian lưu ống sonde tùy thuộc vào mức độ tổn thương.
Đối với lộn niêm mạc xuống bàng quang: xử lý bằng cách đẩy phần niêm mạc vào trong niệu quản về vị trí cũ, đặt ống sonde double JJ trong thời gian 3-4 tuần. Nếu không xử lý được bằng nội soi thì chuyển mổ.
Đối với đứt niệu quản: Phẫu thuật tạo hình niệu quản là biện pháp duy nhất để xử lý tai biến đứt niệu quản.
Một số biện pháp hạn chế biến chứng trong tán sỏi nội soi ngược dòng: Chỉ định đúng, chuẩn bị tốt dụng cụ, sử dụng guidewire dẫn đường khi đặt ống soi, trong khi tán sỏi nếu không nhìn rõ do chảy máu hoặc nước tiểu đục thì nên đặt ống sonde double JJ sau đó tán lại lần 2.
Tán sỏi lần 2 không phải là thất bại – Đó là chiến thuật khôn ngoan đối với những trường hợp khó.
Một số biến chứng trong quá trình tán sỏi nội soi có thể liên quan tới việc sử dụng giọ giữ sỏi chưa đúng cách, kẹt giọ, kẹt sỏi…
Biến chứng sau tán sỏi nội soi ngược dòng
- Chảy máu:
Sau quá trình đặt ống soi và tán sỏi, hầu hết bệnh nhân nước tiểu lẫn máu có màu hồng nhạt, ít khi gặp biến chứng chảy máu cần phải can thiệp. Niêm mạc niệu quản đoạn thành bàng quang dày gồm 6 lớp tế bào là nơi có mạng lưới mạch máu phong phú vì vậy khi tổn thương dễ gây chảy máu. Tình trạng nước tiểu hồng sau tán sỏi nội soi chủ yếu là do sonde JJ cọ sát vào niêm mạc bàng quang gây nên, nó ít khi là do chảy máu từ niệu quản xuống.
- Nhiễm khuẩn hệ tiết niệu:
Nguyên nhân nhiễm khuẩn trước tiên là do vô khuẩn không tốt trong quá trình thực hiện tán sỏi. Ngoài ra có thể do vi khuẩn từ niệu đạo theo ống soi lên niệu quản. Vi khuẩn ẩn nấp trong sỏi được bung ra vào nước tiểu trong quá trình tán sỏi. Để hạn chế nhiễm khuẩn, ngoài đảm bảo khâu vô khuẩn cần kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn trước khi tán sỏi: điều trị nhiễm khuẩn niệu trước phẫu thuật (nếu có) và sử dụng kháng sinh dự phòng khi tán sỏi. Ngoài ra trong quá trình tán sỏi không bơm nước với áp lực quá cao. Để hạn chế tốt hơn tình trạng nhiễm khuẩn, việc nuôi cấy vi khuẩn nước tiểu trước mổ nên được thực hiện thường quy với những trường hợp mổ chủ động.
- Hẹp niệu quản:
Hẹp niệu quản là biến chứng hay gặp do tổn thương niệu quản trong tán sỏi gây nên, thường xảy ra sau khi thủng niệu quản hoặc sỏi khảm làm mất lớp niêm mạc. Tỷ lệ hẹp niệu quản sau tán sỏi nội soi hay gặp hơn đối với những trường hợp sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên.
- Xử lý hẹp niệu quản:
Có thể thực hiện bằng nong niệu quản nội soi, xẻ hẹp nội soi hay mổ cắt đoạn hẹp niệu quản, tạo hình niệu quản tùy vào mức độ hẹp niệu quản, vị trí và độ dài đoạn niệu quản hẹp.
- Tắc niệu quản cấp do máu cục, vụn sỏi, phù nề niêm mạc:
Bệnh nhân có biểu hiện cơn đau quặn thận sau tán sỏi do tắc niệu quản cấp tính. Đa số có thể điều trị nội khoa bảo tồn. Nếu điều trị nội khoa không đáp ứng nên tiến hành đặt ống sonde double J lưu.
- Sỏi dưới niêm mạc:
Sỏi đi vào trong thành niệu quản do người thầy thuốc gây nên trong quá trình soi niệu quản. Đây là một biến chứng phổ biến, lấy sỏi này rất khó khăn. Nếu xảy ra sỏi dưới niêm mạc nên cắt băng laser và đặt ống sonde double J. Nếu cắt laser thất bại sẽ mở cắt đoạn niệu quản.
Đọc thêm:
Video tán sỏi nội soi
Hiện nay với sự xuất hiện của những máy soi mềm và nhỏ hơn, cũng như kinh nghiệm của phẫu thuật viên được nâng cao tỉ lệ tai biến, biến chứng tán sỏi nội soi ngược dòng ngày càng giảm. Với những lợi thế của mình phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng là phương pháp điều trị phổ biến trong sỏi niệu quản, sỏi tiết niệu có chỉ định can thiệp ngoại khoa.